menu

Tín Ngưỡng Tôn Giáo Nhân Gian 

View: 1483 -     Tuệ Sỹ       11/12/2019 11:12:06 pm
Tín Ngưỡng Tôn Giáo Nhân Gian 
Tín Ngưỡng Tôn Giáo Nhân Gian 

Thầy Tuệ Sỹ (Ảnh: Tâm Mãn)

Đối với những người mà cuộc đời của họ đã được bố trí một cách mạch lạc và hợp lý, chưa có một biến tượng nào xảy ra làm gợn sóng chút ít cái đời sống như mặt nước hồ thu ấy, thì tất cả mọi hoạt động dành cho tâm linh chỉ là những trang trí xa hoa. Người công chức của một thời đại thanh bình rất an phận với công việc cố định hằng ngày, vì đời sống đã được bảo đảm bởi lương bổng cố định hằng ngày. Trật tự xã hội bảo đảm tất cả mọi bất trắc sẽ xảy ra cho họ. Tâm trạng ấy thật khác xa với tình cảnh lo âu thường trực trước mọi biến tượng bất ngờ có thể hiện đến của những người đang ở trong một thời đại hay một địa vức phải chứng kiến mọi xáo trộn diễn ra liên tiếp. Cố nhiên, ai cũng tin chắc rằng ngày mai mình vẫn còn sống, nhưng thêm đó là mối băn khoăn rằng mình sẽ sống như thế nào đây khả dĩ tươi sáng hơn một chút. Vì tính cách quảng đại quần chúng, cả hai tâm trạng khác nhau ấy ta có thể gọi tắt là “đời sống nhân gian”. Tất cả những hoạt động bắt nguồn từ đời sống ấy nhằm thỏa mãn các yêu sách của con người ở trong đó đều được gọi là các hoạt động nhân gian, kể cả tôn giáo. Trong môi trường này, tín ngưỡng tôn giáo theo đó những quyền năng siêu nhiên đáng được cầu nguyện để bảo vệ con người tránh khỏi những bất trắc của ngày mai, cũng không khác với lòng tin ở thế lực của một trật tự xã hội được duy trì bởi sự công bằng của pháp lý.

Tuy nhiên, đời sống của con người không phải như đời sống của cây cỏ, và xã hội loài người cũng không như một đàn kiến. Trật tự của xã hội, công bằng của pháp lý, chưa từng đảm bảo được quyền sống của một người; chúng chỉ là giao ước tạm thời để mọi người phải tôn trọng quyền sống lẫn nhau. Khi cần thiết, những giao ước ấy cũng bị xé bỏ để mọi người “sống cùng sống và chết cùng chết”.

Một thân nhân sắp chết, kẻ đang sống chỉ thấy mình sắp mất một cái gì thân thuộc nhất trên đời này, nhưng có lẽ họ không thấy trên nét mặt bi thương cùng cực của kẻ sắp chết đang đòi hỏi cái quyền được sống; dù là khoảng tích tắc sẽ đến phải chết, thì trước cái giây phút ấy, con người cảm thấy mình phải được sống, dù chỉ sống trong khoảng khắc. Mất thân nhân, chỉ như mất một thi thể, nhưng mất sự sống là mất tất cả. Tín ngưỡng tôn giáo trong giờ phút ấy đóng đủ vai trò của nó mà trật từ xã hội hay công bằng pháp lý không thể đảm nhận nổi. Chúng, cũng như khoa học và sự tiến bộ, chỉ có thể hứa hẹn với con người một ngày mai tốt đẹp hơn. Tín ngưỡng tôn giáo chắc chắn không đuổi kịp hứa hẹn này, nhưng nó hứa hẹn một điều thiết yếu hơn hết thảy, đó là sự sống vĩnh cửu của con người. Nếu tín ngưỡng tôn giáo chỉ bắt nguồn từ nhu yếu đó mà thôi, thì có lẽ không bao giờ nó là một tín ngưỡng nhân gian được. Con người trong đời sống nhân gian thường có khuynh hướng an phận, bằng lòng với tất cả hứa hẹn nào nghe ra như có chiều hợp lý mà khả năng tri thức của minh có thể lãnh hội được. Người ta sống với niềm xác tín rằng, ít ra mình cũng có thể sống trên dưới mươi năm nữa; và trong khoảng thời gian này, những quyền năng hữu hình của trần gian cần thiết hơn. Trong niềm xác tín ấy, tín ngưỡng tôn giáo nhân gian không phải là biểu lộ một tin tưởng mãnh liệt ở cái quyền sống của con người. Tín ngưỡng ở đây mang hình ảnh trần tục, nghĩa là tôn giáo cũng chỉ là một tổ chức như tất cả tổ chức xã hội khác. (Thí dụ: Công ty bảo hiểm), mặc dù là với môi trường rộng rãi hơn. Ở đây, sự có mặt của thần linh là điều cần thiết để phù trợ các sinh hoạt hằng ngày của con người. Bất cứ một tổ chức xã hội nào cũng phải đụng đầu với câu hỏi: giúp ích được gì cho con người trong các sinh hoạt hằng ngày? Một tôn giáo mang hình thức như một tổ chức xã hội, nếu muốn sự có mặt của mình không phải là thừa thì phải trả lời dứt khoát câu hỏi ấy.

Từ khởi thủy, sinh hoạt của Tăng đoàn Phật giáo chưa có tổ chức, nghĩa là chưa mang một hình ảnh nào của xã hội. Sau khi con số đệ tử xuất gia lên đến sáu mươi, Phật dạy họ giải tán đi khắp mọi phía để thuyết giáo, cảnh tỉnh con người trước sự bức khổ của vô thường, của tuổi già và sự chết. Mục đích là đi thuyết giáo, nhưng cũng tiếp theo đó là đời sống Tăng sĩ vẫn còn độc lập: “Tỳ-kheo cô đơn đi một mình như con tê giác,” không bị buộc ràng với xã hội. Về sau, số đệ tử càng lên cao, và đời sống của một nhóm người cùng đeo đuổi một lý tưởng, cùng có một đường lối sinh hoạt như nhau, chắc chắn sẽ không thể không mang hình thức như một tổ chức xã hội. Khi Phật còn tại thế, vấn đề củng cố giáo đoàn Tăng sĩ không mấy quan trọng. Nhưng, ngay khi ngài nhập niết-bàn, đấy lại là vấn đề sinh tử. Việc thống nhất tư tưởng và hành động là chủ đích của những cuộc kết tập. Trên một trăm năm Phật lịch Phật giáo chỉ là Phật giáo của Tăng lữ; chỉ những người xuất gia mới đủ cơ duyên để thấu hiểu và thực hành Phật pháp. Cư sĩ chỉ có nhiệm vụ hộ đạo. Họ có thể vừa tin Phật vừa thờ cúng thần linh của các tôn giáo khác; bởi vì chỉ các thần linh ấy mới phù trợ đắc lực họ đối với những bất trắc của đời sống. Khi địa bàn truyền giáo được mở rộng, thì sự thể lại khác hẳn. Cư sĩ cũng góp công nhiều trong việc truyền bá Phật pháp, cho nên Tăng lữ không thể không biết đến những khó khăn của họ trong cuộc sống hằng ngày. Như thế, dù muốn dù không, lý đương nhiên là Phật giáo dần dần trở thành một tín ngưỡng tôn giáo nhân gian; sự cầu nguyện – một hình thức chủ yếu của loại tôn giáo này – càng được chú ý.

Tuy nhiên, nếu Tăng sĩ hoàn toàn đắm mình vào các sinh hoạt này thì không thể giữ nổi thông điệp của đức Phật, cảnh tỉnh về sự bức khổ của vô thường, giác ngộ về sự sống toàn diện của con người. Đời sống cô liêu phải là đời sống lý tưởng của một vị tỳ-kheo. Chỉ có ai đã từng nếm được mùi vị độc cư mới có thể nếm được mùi vị của Chánh pháp. Nhưng, sống trong sự giao hoán của xã hội, một người không thể chỉ nhận mà không cho; cố nhiên chỉ cho được những gì mình có. Cái mà một vị tỳ-kheo có ở đây là hình ảnh lộng lẫy của một đời sống cô liêu. Chính nơi đó người ta nhận thấy tất cả sự thanh bình mà nhân loại có thể có. Cái cô liêu ở đây là sống trong thế gian, dù có mưu cầu hạnh phúc cho con người vẫn không ôm ấp tất cả kết quả từ sự mưu cầu ấy để làm thành sự nghiệp của mình. “Bồ-tát cứu độ tất cả chúng sanh mà không thấy có chúng sanh nào được cứu độ hết.” “Ta không tranh chấp thế gian mà thế gian tranh chấp với ta. Kẻ trí của thế gian nói cái đó có, Ta cũng nói cái đó có. Kẻ trí của thế gian nói cái đó không, Ta cũng nói cái đó không.” Trong tín ngưỡng nhân gian, nguyên tắc là “sống cùng sống và chết cùng chết.” Trong niềm tin ở sự sống toàn diện và cá biệt của con người, nguyên tắc, “sống là sống và chết là chết.” Bởi vì, cùng sống và cùng chết cho một lý tưởng chung, cho nên tín ngưỡng tôn giáo nhân gian có thể trở thành sức mạnh quần chúng như một thế lực chính trị của đối lập và tranh chấp.

Ngày nay, nền văn minh kỹ nghệ đòi hỏi sự đóng góp tích cự của mọi người, trên tiêu chuẩn phân công. Các tổ chức xã hội trần tục lo về đời sống vật chất và các tổ chức tôn giáo lo về đời sống tinh thần. Quả thực, sự phân chia này do bởi bệnh nhặm mắt, nhìn một vật thành hai. Nó coi con người như một cái máy có thể chia ra từng bộ phận. Đời sống của con người là đời sống toàn diện, dù con người có ý thức được hay thể hiện được đời sống ấy hay không. Cái toàn diện đó không thể cắt xén được. Người ta chỉ có thể phân phối thứ tự liên tục của ngày tháng trên nhật ký mà thôi; cũng như người ta chỉ có thể phối trí các đồ vật trong hộp cạt tông. Tôi đứng đây, anh đứng đó, nhưng sự tiếp cận của chúng ta không phải như hai viên sỏi với nhau. Tôi đứng trước mặt anh, không phải vì thế mà tôi không thể thấy được phần lưng của anh. Và ngược lại anh cũng thế. Dù anh đi phía sau tôi, nhưng anh đã gọi đúng tên tôi, vì anh đã nhận diện được tôi, nghĩa là anh đứng phía sau tôi nhưng lại thấy luôn cả mặt tôi ở phía trước. Người theo chủ nghĩa thực nghiệm có thể cho rằng đó chỉ là tiến trình của biểu tượng; nhưng như thế lại quên mất cái khả tính tạo ra biểu tượng ấy ở con người.

Bởi vì tín ngưỡng của tôn giáo nhân gian không vượt ra ngoài sự chi phối của điều kiện, hoàn cảnh xã hội, cho nên thái độ của một công chức, như thí dụ trên, cho rằng các hoạt động dành cho đời sống tinh thần tất nhiên ông ta lẫn lộn giữa đời sống tâm linh đích thực và đời sống tinh thần theo kiểu phân công – là một sự trang trí xa hoa, thì thái độ ấy không có gì đáng phiền trách cả. Ông ta thi hành nghiêm chỉnh nguyên tắc phân công. Bởi vì ông ta đang phục vụ trong một cơ quan trần tục chuyên trách về sự tiến bộ của đời sống vật chất, thì công việc chính yếu của ông ta là chú tâm vào vấn đề này, ngoài ra là những phụ thuộc. Nếu ông có thể biết thêm ít nhiều về các hoạt động gọi là tinh thần thì càng hay để có thể có đề tài mạn đàm trong những cuộc tà dư tửu hậu. Nhưng nếu tình trạng kinh tế gia đình cho phép ông ta đi đánh mạt chượt lại là điều thú vị hơn. Nói cho thành thật hơn, đúng ra ta phải gọi ông là một bộ phận nhỏ trong guồng máy khổng lồ, chứ không phải là một con người trong xã hội người. Để tránh xung đột – đây là sự góp công lớn vào nền hòa bình đích thực của nhân loại – chúng ta nên nói điều ấy ở chỗ vắng mặt ông ta mà thôi. Nếu nói thẳng ngay vào mặt ông, ông ta sẽ giận dữ và chúng ta không tránh khỏi một trận gây gổ. Như thế, dù sao ông ta vẫn muốn chứng tỏ rằng mình vẫn là con người; không một ai được phép nhân danh một lý tưởng nào hết để phủ nhận cái quyền làm người của ông mà đồng hóa ông với một đồ vật, một cái máy.

Dù xã hội càng lúc càng thoái hóa vì con người càng lúc càng mất tư cách người, hay dù với bất cứ một tình trạng và lý lẽ nào tương tợ, con người và đời sống của con người không thể biến mất. Nếu chúng ta coi tâm linh như là sự toàn diện của con người, thì các giá trị tâm linh không bao giờ bị sụp đổ; nó không bao giờ biến mất mà chỉ có điều là nó được thể hiện hay không mà thôi. Nói theo ngôn ngữ Phật giáo, Phật tính không đến cũng không đi, nó ở đó, ở trong sự sống của con người. Tín ngưỡng tôn giáo nhân gian có thể cần thiết hoặc có thể không cần thiết, nhưng tín ngưỡng của con người về con người, về sự sống toàn diện của con người, tín ngưỡng ấy cần phải thể hiện. Nó không hứa hẹn điều gì cả. Xã hội của con người luôn luôn vẫn là của con người, không bao giờ là của một đàn kiến. Đấy là tín ngưỡng về con người, niềm xác tín về hiện hữu con người, chúng ta thể hiện nó trong từng hơi thở để có thể xử thế và xử sự như là con người với con người.

(Tin Phật – nội san của tổng vụ hoằng pháp. Số 1.11.1969)

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin